Chủ đề:
Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
20 - 11 -2015

Ông cha ta từng nói rằng: “ Nhất tự vi sư, bán tự vi
sư”, nghĩa là người dạy một chữ cũng là thầy mà dạy nửa chữ cũng là thầy. Đó là
tình, là đạo lí của người học trò đối với thầy và cũng là niềm tin cẩn, là sự
thành kính thẳm sâu của các bậc cha mẹ đối với người thầy của con mình.
Trong buổi giới
thiệu sách ngày hôm nay tôi xin trân trọng giới thiệu đến thầy cô và các em học
sinh cuốn sách “Thầy Trò Trường Bưởi Chu-Văn - An”. Sách dày 296trang, do Nhà
xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 1998, gồm 278 bài viết nhỏ. Mỗi bài viết là một
kỉ niệm, một hồi ức, một bài học giản dị mà sâu sắc về tình thầy trò, về mái
trường, về phấn trắng bảng đen, về những hoài niệm của người thầy, người cô lần
đầu tiên đứng trên bục giảng.
Có nhà giáo
nào lại không muốn hết lòng cống hiến cho nghiệp giáo, không muốn mình có kỹ
năng sư phạm cao để giúp học trò mình không chỉ có ý chí đương đầu với những
khó khăn, thử thách của việc học mà còn cảm thấy thích học. Đó chính là khả
năng thu hút và giá trị của nghiệp làm giáo. Các nhà giáo luôn khơi gợi cảm xúc
nơi học trò và chính học trò là nguồn hứng khởi cho thầy cô thích thú gắn bó
với nghề.
“Một kiến trúc sư biết rằng nếu anh làm việc với sự
cẩn trọng, công trình anh xây nên sẽ tồn tại hàng thế kỉ. Một người Thầy biết
rằng mình giảng dạy bằng tình thương yêu và sự tận tụy thì thành quả mình tạo
ra sẽ còn mãi với thời gian”.
Thật vậy, thầy cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức, dạy dỗ ta thành
người mà còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, là người khơi dậy và nhận ra những
tiềm năng trong ta, giúp ta thắp sáng, nuôi dưỡng và biến ước mơ thành hiện
thực.
Kính thưa thầy cô cùng các em học sinh thân mến!
Ngày nhà giáo Việt Nam đến trong niềm hân hoan của
không chỉ các thầy cô giáo mà còn của tất cả các thế hệ học trò.
Nghề nhà giáo - nghề “trồng người” rất vất vả nhưng
cũng đầy vinh quang. Nhân dịp này, Thư viện xin gửi tới các thầy cô những lời
chúc tốt đẹp nhất, lòng biết ơn chân thành nhất của học trò qua tác phẩm “Thầy
trò Trường Bưởi Chu Văn An”. Đây là những câu chuyện xúc động và đầy cảm
hứng của các trò viết về người thầy của mình. Có nhà giáo nào mà không từng là
chồi non được thầy cô mình yêu thương dìu dắt! Sợi dây thầy và trò là sợi dây
yêu thương, bền dẻo, miên man, tiếp nối không bao giờ dứt, xuyên qua tầng tầng
lớp lớp rừng của tri thức và thời đại.
Sức hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc đối với tác phẩm này
không vì lời lẽ trau chuốt, bóng bẩy mà chính ở nội dung cốt lõi của nó đã đề
cao và tôn vinh cái đẹp của nghề nhà giáo. Cái đẹp toát lên từ nhân cách cao
quý và tâm hồn cao thượng ươm mầm cho những tâm hồn của các em ngày càng bay
cao và toả sáng trên bầu trời tri thức.
Bài viết chỉ trong vài trang ngắn hết sức cô đọng
nhưng cũng đủ để truyền đạt hết tình cảm sâu sắc gửi đến các thầy,cô - những
người luôn chăm lo, hết lòng, sống mẫu mực, khắt khe với bản thân để làm gương
cho học trò mình.
Nâng trên tay hoài niệm
Tôi chỉ xin một giấc mơ
Về thăm lại bốn mươi năm trường cũ
Tóc vẫn xanh làm người trò bé nhỏ
Được khoanh tay nghe ấm áp giọng thầy
Được chạy nhảy vui vầy
Lăn trái bóng như chưa ngừng thưở ấy.
Nâng trên tay hoài niệm
Tôi chỉ xin một giấc mơ thế đấy
Trải giấy ra cho chữ tím lại về
Hỏi ánh mắt như Tây Hồ có biếc
Bốn mươi năm bạn cũ nhớ tay nhau
Lá đổ vàng lưng áo, lá bay đâu
Về xanh lại, tôi cầu xin phép lạ.
Tôi thầm biết, rồi sẽ về tất cả
Tôi cầu xin phép lạ trái tim mình
Sẽ ấm nóng, sẽ lung linh trở lại
Buổi tựu trường thương nhớ bốn mươi năm…
Bài thơ vừa đọc đó là bài Trở Về của
Trần Nhật Lam, chứa đựng bao nỗi niềm nhớ thầy cô của học trò về mái trường
thân yêu năm nào và những hồi ức đẹp về tình cảm sâu nặng của thầy cô dành cho
học trò, nhờ những công ơn dạy dỗ của thầy cô mà cánh học trò của chúng em mới
có được ngày hôm nay. Đây là một phần nhỏ của câu chuyện trong cuốn sách này
viết về công ơn thầy cô của em: Nguyễn Thúy Quỳnh với câu chuyện; “Thầy của
Tôi! Trường Của Tôi!” : Ngày học cấp 2, tôi cứ ước ao được học một lớp mà có
thầy giáo làm chủ nhiệm. Chẳng phải vì tôi không thích các cô giáo mà chỉ vì
suốt chín năm học, bao giờ cũng là “ cô chủ nhiệm”. Thế rồi đến năm lớp 11, tôi
chuyển về trường THPT Chu Văn An. Sau hai đợt thi tuyển và sát hạch , tôi cầm
phiếu vào lớp : Lớp 11A2 do thầy giáo Lê Văn Ngọc làm chủ nhiệm, thế là tôi đã
có “ thầy chủ nhiệm”, không những thế mà lại còn là một “ ông giáo già”. Thầy
dạy chúng tôi môn Hóa học – có lẽ tôi không bao giờ quên những giờ giảng bài
của thầy. Giọng thầy trầm ấm, cái nhìn hiền từ nhưng đầy thúc giục và đặc biệt
là cách trình bày giảng gọn gàng, khoa học và rất… mỹ thuật của thầy đã khơi
dậy trong chúng tôi một niềm say mê học tập. Chẳng thế mà lớp tôi không một năm
nào là không có vài giải Hóa thành phố. Cho đến giờ tôi vẫn cứ nghĩ rằng :
không phải vì lớp tôi là lớp chọn Hóa mà đó là do thầy đã tạo nên sự say mê và
tự giác để chúng tôi có được những thành tích ấy. Thầy tôi hiền, ít nói – nhưng
cái cười và đôi mắt nheo nheo của thầy đã nói lên rất nhiều.
Đằng sau nụ cười là tấm lòng đôn hậu và vị
tha mà thầy dành cho chúng tôi; đằng sau những nếp nhăn là nỗi niềm lo lắng của
thầy đối với chúng tôi. Có thể là chúng tôi còn vô tư quá, chưa hiểu hết thầy,
nhưng chúng tôi đã cảm nhận được điều đó. Có lẽ vì thế mà chúng tôi càng nỗ lực
hơn trong học tập. Năm lớp 12 lớp tôi có 4 giải Thành phố về các môn Hóa, Văn
và Tin học. Và để rồi đến cuối năm học, trong đợt thi tú tài, lớp tôi lại đạt
một thành tích đáng kể: một thủ khoa, hai trong số học sinh được vào thẳng Đại
học của trường là học sinh lớp tôi. Vinh dự này thuộc về thầy tôi. Khi tôi viết
những dòng này, thầy tôi đã yên tâm thanh thản về nghỉ hưu và chúng tôi đang
hồi hộp chờ ngày bước chân vào trường Đại học. Song có lẽ không bao giờ tôi
quên được người thầy đáng kính của tôi, không bao giờ tôi quên được lớp 12A2
của tôi. Bởi vì 12A2 và thầy tôi chính là hình ảnh của trường Chu
Văn An – một trường với bề dày truyền thống, trong đó có các thầy cô giáo dạy
tốt và yêu thương trò của mình. Tôi vẫn tự nhủ rằng: sự trưởng thành của mình
hôm nay là nhờ tôi được học tập và rèn luyện dưới mái Trường Chu
Văn An, nhờ có sự dạy dỗ của các thầy cô. Tôi luôn tự nhủ rằng: mãi mãi ngôi
trường này, mãi mãi các thầy cô!.
Đọc bài viết trên chúng ta càng thêm yêu quý, kính
trọng thầy cô - những người luôn sống vì hạnh phúc của thế hệ tương lai, sống
để cống hiến hết mình cho đời.
Các thầy cô theo đúng nghĩa sẽ mãi ngự trị trong tim
của những học trò, sự tâm huyết, lòng yêu thương cùng những bài học quý giá sẽ
mãi theo chân các em trên chuyến xe cuộc đời.
Qua tập sách này thư viện muốn nhắn nhủ đến tất cả các
em một điều: Hãy ra sức phấn đấu học tập để “hái” những bông hoa điểm mười tươi
thắm dâng tặng thầy cô nhân ngày đầy ý nghĩa này.
Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm lắng nghe của quý
thầy cô cùng các em.
Cuối cùng, xin kính chúc quý thầy cô giáo sức khoẻ.
Chúc các em một tuần học tập thật hăng say.